Ý nghĩa của việc xét nghiệm chỉ số ure trong máu là gì?
Trong các buổi khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm ure máu là một bước không thể thiếu để kiểm tra tình trạng hoạt động của thận. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đánh giá chức năng lọc và thải của thận, từ đó đưa ra hướng điều trị hoặc điều chỉnh lối sống nếu cần.
Ure là gì?
Ure là một loại chất thải sinh ra khi cơ thể phân giải protein từ thực phẩm. Sau khi protein bị phân huỷ, các axit amin sẽ được chuyển hoá trong gan, tạo ra amoniac – một chất độc. Gan sẽ nhanh chóng biến amoniac này thành ure, một dạng chất thải ít độc hơn, sau đó được thận lọc và thải ra ngoài qua nước tiểu.
Nồng độ ure trong máu phụ thuộc vào lượng protein bạn ăn, mức độ chuyển hoá trong cơ thể và khả năng làm việc của thận. Bình thường, phần lớn ure được thải ra ngoài, chỉ một lượng rất nhỏ còn lại trong máu. Nhưng nếu thận hoạt động không tốt, ure sẽ bị ứ đọng, gây tăng nồng độ trong máu – điều này có thể cảnh báo các vấn đề sức khỏe.
Xét nghiệm ure máu là gì?
Xét nghiệm ure máu (còn gọi là BUN – Blood Urea Nitrogen) là xét nghiệm dùng để đo lượng nitơ có trong ure ở máu. Đây là chỉ số quan trọng giúp kiểm tra chức năng thận. Xét nghiệm rất đơn giản, chỉ cần lấy một mẫu máu từ tĩnh mạch cánh tay là có thể thực hiện.
Xét nghiệm ure máu giúp gì cho chúng ta?
Xét nghiệm này thường được thực hiện kèm với một số chỉ số khác như creatinine máu để đánh giá chính xác hơn chức năng thận. Ngoài ra, nó còn giúp chẩn đoán hoặc theo dõi những tình trạng như:
- Bệnh gan
- Suy dinh dưỡng
- Mất nước
- Suy tim
- Tắc nghẽn đường tiết niệu
- Xuất huyết tiêu hóa
- Kiểm tra hiệu quả điều trị lọc máu
Đặc biệt, nếu bạn đang điều trị bệnh tiểu đường, hoặc đang nằm viện vì một lý do nào đó, xét nghiệm ure máu có thể được chỉ định để theo dõi chức năng thận liên tục.
Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ cho biết nồng độ ure cao hay thấp – để biết nguyên nhân chính xác, bác sĩ cần thêm nhiều kiểm tra khác.
Khi nào nên xét nghiệm ure máu?
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm này nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh thận, ví dụ:
- Có người thân bị bệnh thận
- Bị tiểu đường
- Cao huyết áp
- Bệnh tim
Ngoài ra, nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ tổn thương thận như:
- Mệt mỏi
- Đi tiểu bất thường (ít, nhiều, màu sắc thay đổi, có bọt, có máu…)
- Sưng mặt, chân tay
- Huyết áp tăng
- Buồn nôn, chán ăn
…thì xét nghiệm ure máu cũng là một kiểm tra quan trọng cần thực hiện.
Những yếu tố nào khiến ure máu tăng hoặc giảm?
Ure máu tăng cao có thể do:
- Mất nước
- Ăn nhiều protein
- Suy tim, xuất huyết tiêu hóa
- Bỏng nặng
- Tác dụng phụ của thuốc (kháng sinh, lợi tiểu…)
- Tắc nghẽn đường tiểu
- Ure máu giảm thường liên quan đến:
- Chế độ ăn ít đạm
- Bệnh lý gan (xơ gan, suy gan)
- Suy dinh dưỡng
- Phụ nữ mang thai
Nồng độ ure máu ảnh hưởng thế nào đến cơ thể?
Khi nồng độ ure trong máu không ổn định, cơ thể có thể gặp phải hàng loạt vấn đề:
- Tim mạch: tăng huyết áp, mạch yếu, nguy cơ trụy mạch nếu tình trạng kéo dài
- Thần kinh: mệt mỏi, đau đầu, rối loạn ý thức, nặng có thể hôn mê
- Tiêu hóa: đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy, lưỡi đen, loét miệng
- Hô hấp: hơi thở có mùi amoniac, thở yếu, chậm
- Thân nhiệt: giảm thân nhiệt
- Huyết học: tăng ure kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu, tăng nguy cơ suy thận
Trên đây chính là những ý nghĩa của việc xét nghiệm nồng độ ure, hy vọng với những điều này sẽ giúp bạn hiểu và biết cách chăm sóc cơ thể hơn.
Đọc thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét